"Đảo kho báu" xưa và nay
Chiến sĩ Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trên Hòn Tre Lớn. (Ảnh: Văn Chương)

Chiến sĩ Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trên Hòn Tre Lớn. (Ảnh: Văn Chương)

Âm thanh lạo xạo dưới bánh xe khi chiếc xe máy leo lên một con dốc lài lài nằm ở mặt sau của Hòn Tre Lớn (Hòn Đốc), thuộc xã đảo Tiên Hải và chỉ một lát là đã đi hết một vòng quanh đảo. Âm thanh lạo xạo đó gợi nhắc lại bức tranh quá khứ của quần đảo Hải Tặc trong tâm tưởng của ngư dân Mai Văn Cầu, sinh năm 1964, quê ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Năm 1987, chàng thanh niên 23 tuổi lần đầu tiên đặt chân ra quần đảo Hải Tặc và mô tả cảnh con đường có lúc chui vô lùm cây, có lúc nhoài ra bãi biển, đảo như đảo hoang, nhưng cảm giác chộn rộn, vui hết cỡ khi thấy các ngư dân rị mãi sợi dây cước, vì có những con cá nặng như đá tảng và phải kéo lên từ từ.

Cái tên Hải Tặc nghe thật đáng sợ. Nhưng rồi cá, mực, tôm... chính là “thỏi nam châm” thu hút nhiều ngư dân từ đất liền ra quần đảo Hải Tặc định cư. Sau ngày giải phóng miền Nam, tin tức về vụ Khmer Đỏ đưa 513 người dân ở xã đảo Thổ Châu mang đi giết hại và không còn ai trở về, khiến nhiều người dân sinh sống trên hòn đảo nằm giáp với đảo của Campuchia vẫn lo thon thót. Từ quần đảo Hải Tặc chỉ cần phóng ghe 20 phút là đã sang tới các đảo nằm phía Campuchia.

Thời đó, cư dân vẫn lo sợ, bởi xã đảo Tiên Hải nằm sát các đảo đang nằm dưới sự quản lý của Campuchia. Mỗi khi đi ra mạn Đông của đảo, mọi người lại thì thầm, ánh mắt lăm le nhìn sang hòn đảo nằm rất gần đó và thì thầm nhắc chuyện “chỗ này từng là hang ổ của bọn Khmer Đỏ”. Hai hòn đảo mà người dân từng kinh hãi là đảo Kiến Vàng và đảo Keo Ngựa. Đứng ở Hòn Tre Lớn, nếu sử dụng ống nhòm vẫn thấy rõ người đi lại trên đảo Kiến Vàng. Cựu chiến binh Nguyễn Kiếm, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, từng đóng quân tại xã đảo Tiên Hải sau năm 1975 chia sẻ: “Bọn Khmer Đỏ bên Kiến Vàng liên tục nã pháo 105mm sang nên người dân vẫn sống như cảnh thời chiến, một phần thì bỏ quê ra đi”.

Bà Phan Thị Nguyệt, sinh năm 1956 kể lại, nghe đạn pháo rót xuống làng, ngày nào cũng phải chạy xuống hầm trú ẩn, vì vậy, cả gia đình đã giao lại nhà cho bộ đội mượn làm kho tàng, sau đó tạm thời di chuyển về trong đất liền cắm đất ở tạm. Rồi tới năm 1979, khi tình hình yên ổn và nhớ tới cảnh ở xã đảo Tiên Hải là nơi thả câu xuống biển và có khi phải 2 người rị giữ sợi dây cước để kéo con cá bự lên thuyền, cả nhà quay về quê hương và trở thành người dân “cổ cựu” cho tới bây giờ.

Đi vòng quanh đảo, thỉnh thoảng lại nghe bà con nói tới từ “cổ cựu” để nhắc tới những gì đã thuộc về xưa cũ. Chuyện cũ hay được người dân nhắc đầy tiếc nuối đó là cá, tôm, mực, ốc... tràn ngập ở các gành đá. Những thầy giáo, cô giáo từ đất liền ra đảo dạy học những năm trước đây, có lúc thấy bùi ngùi vì nghe học sinh nói chuyện “hết giờ học, em và mẹ đi gành, một ngày bắt ốc bán cũng kiếm được số tiền bằng nửa tháng lương của thầy cô”. Những sản vật nổi tiếng trước đây ở đảo là ốc nhảy; buổi sáng, mỗi chiếc ghe nhỏ đi biển về đổ cả đống cá đầy vun trên bờ.

Cuộc sống ở đảo những năm tháng đó đầy rộn ràng, ngư dân mưu sinh nghề biển kiếm tiền như nước, ngư dân làm nghề thô sơ nhất là lặn gành, thu nhập mỗi ngày cũng kiếm ra được cả triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà kể, thời đó làm ăn được quá, cha không còn căn dặn phải núp hầm khi nghe tiếng gõ kẻng, không còn nhắc tới chuyện Khmer Đỏ bên Kiến Vàng, Keo Ngựa nã pháo sang.

Hòn Tre Lớn dần dần trở thành điểm đến của nhiều loại tàu thuyền. Đêm về, vùng biển này sáng như thành phố bởi các loại tàu thuyền tập trung về đánh bắt, từ miệt Cà Mau tới, từ Rạch Giá ra, hay tàu tận tỉnh Bình Định cũng quy tụ về đây. Cuộc sống của cư dân trên đảo thêm phần nhộn nhịp. Và có một vụ việc khiến ngư dân ra Hòn Tre Lớn làm ăn còn mơ tưởng, đó là vào tháng 4/1983, BĐBP đã bắt được 2 người mang quốc tịch Pháp, Mỹ và 2 người Thái Lan xâm nhập vào đảo. Họ khai nhận có trong tay tấm bản đồ của trùm cướp biển khét tiếng là William Kidd. Sử sách có nhắc chuyện tên cướp biển này xuôi ngược khắp đại dương và đã tích lũy được kho báu trị giá 160 triệu USD.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ câu chuyện quá khứ của quần đảo Hải Tặc với cán bộ Biên phòng. (Ảnh: Văn Chương)

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ câu chuyện quá khứ của quần đảo Hải Tặc với cán bộ Biên phòng. (Ảnh: Văn Chương)

William Kidd từng được Chính phủ Anh giao chỉ huy tàu Adventure Galley được trang bị 34 khẩu đại bác và hơn 100 thủy thủ để đối đầu với những tên cướp biển hung hãn, nhưng sau này, ông lại trở thành cướp biển và bị bắt, xử tử vào năm 1701. Chi tiết kho báu ở quần đảo Hải Tặc được người dân thời đó bàn tán xôn xao, vì trên đảo cũng từng có một người làm cướp biển và qua đời vào năm 1974. Hiện nay, ngôi mộ của người đó được đặt trên rìa núi.

Trên đảo thì tin đồn có kho báu, dưới biển đầy cá, tôm, vì vậy, cuộc sống nơi đây đã từng diễn ra rất nhộn nhịp. Nhưng rồi sản lượng cá, tôm sụt giảm, khoảng 5 năm gần đây, tình hình đánh bắt của bà con ngư dân càng khó khăn hơn. Nhiều ngư dân không còn đủ tiền nâng cấp tàu lớn để đi đánh bắt xa hơn.

Xã đảo Tiên Hải hiện có 480 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở đảo Hòn Đốc (Hòn Tre Lớn), Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Nói về triển vọng đánh bắt cá của bà con và nghe phóng viên kể chuyện bà con thở dài khi nói về nghề biển, ông Phan Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết: Nguồn thủy sản quá cạn kiệt, hướng mới bây giờ chỉ trông chờ vào việc phát triển du lịch để nhân dân ở đảo có thêm nguồn sinh kế. Hiện nay, bà con đã xây dựng 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chính quyền cũng đặt kỳ vọng vào cú hích cho nền kinh tế xã nhà giống như ở xã đảo Thổ Châu, đó là ngóng vào nghề nuôi cá lồng bè.

Chị Phan Thị Thúy Diễm, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tiên Hải chia sẻ với tôi những công trình phối hợp với Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Tiên Hải, BĐBP Kiên Giang tổ chức thực hiện, đó là đường cờ Tổ quốc, những hàng cây xanh, nhữn con đường hoa, các chương trình an sinh xã hội... Những người trẻ ở đảo đã nhận thức rõ, con đường phía trước của ngư dân trên quần đảo Hải Tặc là đánh bắt bền vững và bảo vệ môi trường. Có như vậy, sự trù phú mới quay trở lại với người dân nơi đây./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất