(TTĐN) - Với phần lớn người dân Việt Nam, ai cũng có ước ao được một lần chạm tay vào cột mốc biên cương. Nhưng ở tuyến biên giới Đồng Tháp, do đặc thù về địa lý, địa hình, nên rất nhiều mốc quốc giới đặt ngay trong khu vực nhà dân. Và chính bằng niềm tự hào, tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc, những hộ dân này cả đời gắn bó, tự nguyện chăm sóc, bảo vệ cột mốc như bảo vệ tài sản của riêng gia đình mình…
 |
Cột mốc 235/3(2) trước nhà chị Tư. (Ảnh: Đăng Bảy)
|
Hoa lan nở nơi cột mốc biên giới
Chếch phía bên phải, cách Đồn Biên phòng Cầu Muống tầm 500m là cột mốc số 235/2(2), nằm trong khuôn viên nhà chị Nguyễn Thị Loan, thuộc ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, thị xã Hồng Ngự.
Theo Trung tá Trần Văn Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống, trên đoạn biên giới dài 9km chạy dọc theo sông Sở Thượng do đơn vị quản lý, có 2 cột mốc chính và 9 cột mốc phụ. Điều thú vị là có tới 9/11 cột mốc nằm sát nhà dân. Đây là điều đặc biệt nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Và ở đây, người dân luôn nêu cao ý thức quản lý, bảo vệ cột mốc như bảo vệ trái tim của chính mình…
Bên mái hiên nhà chị Loan, sát với cột mốc có trồng rất nhiều hoa lan nên nhìn khung cảnh rất thơ mộng và bình yên. Phía sau nhà, chị Loan kinh doanh quán cà phê nên khách hàng có thể vừa vào đây để uống nước, vừa ngắm nhìn cột mốc. Theo lời chị Loan, anh Hải (chồng chị Loan) trước kia cũng là quân nhân ở Đồn Biên phòng Cầu Muống. Mặc dù chuyển ngành đã lâu, nhưng do vẫn yêu biên giới, yêu màu xanh áo lính, nên anh Hải vẫn trồng hoa lan, treo ở gần cột mốc. Chị Loan nói: “Những lúc hoa lan trổ bông, nhìn cột mốc đẹp và thơ mộng hơn rất nhiều. Vì thế nên cả nhà đều có ý thức chăm chút, giữ cho những giò hoa lan ở đây luôn tươi đẹp”.
Từ nhà chị Loan, tiếp tục đi theo đường tuần tra biên giới, chúng tôi tới nhà chị Nguyễn Thị Tư, 50 tuổi, ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc. Ngay trước thềm nhà chị Tư là cột mốc 235/3(2). Bên cạnh cột mốc là 2 rổ cá lóc khô đang treo lủng lẳng, đón nắng. Đang dở tay đan lưới để chiều kịp tranh thủ đi giăng cá, chị Tư vừa nói chuyện với khách, vừa múa đôi bàn tay dệt nên những mắt lưới trông rất đẹp mắt. Chị nói: “Cột mốc xây trước nhà mình thì mình có trách nhiệm bảo vệ luôn, ngày nào tui cũng lau chùi, quét dọn. Sạch cột mốc cũng là làm sạch nhà mình”…
Cách nhà chị Tư không xa là cột mốc 235/4(2), nằm kẹp giữa nhà anh Nguyễn Văn Trắng (tám Trắng), 57 tuổi và nhà anh Đào Công Sol (ba Sol), 41 tuổi, ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A. Cũng giống như nhà chị Loan, nhà chị Tư, nhà anh tám Trắng và anh ba Sol nằm ở vị trí rất “đặc biệt”. Liền ngay phía sau nhà là sông Sở Thượng - ranh giới phân chia lãnh thổ 2 nước Việt Nam và Campuchia. Phía trước nhà là đường tuần tra biên giới, nơi có cột mốc quốc gia. Anh ba Sol nói: “Đất khu vực này trước kia là của ba má tui không hà, rộng lắm. Nên khi chính quyền tới đặt vấn đề xây cột mốc, nhà tui đồng ý liền, đất mặt tiền đàng hoàng nha. Chính vì vậy nên nhà tui với nhà anh tám Trắng mới cách nhau bởi cái… cột mốc, chứ không là liền vách nhau”…
Lúc chúng tôi tới cũng đang tầm chuẩn bị bữa trưa, mọi sinh hoạt như rửa rau, làm cá diễn ra ngay bên cạnh cột mốc, nhìn rất yên bình. “Hàng ngày, tụi tui vẫn kê bàn bên cạnh cột mốc uống cà phê mà, vui lắm” - anh tám Trắng nói.
Cột mốc là điểm tựa tinh thần…
Đã hơn 10 giờ trưa, trời nắng gắt, nhưng Thiếu tá Nguyễn Công Quý, nhân viên kiểm soát, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi thăm cột mốc số 232/6(3). Cột mốc này nằm ngay nhà chị Đặng Thanh Tuyền, ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng. Bên cạnh cột mốc là cây ổi lúc lỉu quả chín vàng ươm.
Lúc chúng tôi tới, chị Tuyền cũng vừa đi làm ruộng về, chị đon đả, tự tay hái từng quả ổi mời khách. Chị nói, trước kia, nhà cũ ở đây nên mới trồng cây ổi này. Năm 2017, cột mốc xây trước nhà cũ, nên chị chuyển nhà dịch sang bên phải. Cái nhà cũ vẫn còn nhưng chuyển thành nhà kho. “Khi xây cột mốc, chị có được hỗ trợ gì không?”. “Không đâu, đất mình rộng mà, với lại biên giới còn, Tổ quốc còn là mình còn, đâu tính toán thiệt hơn gì. Mình không đòi hỏi gì, nhưng khi xây nhà ở vị trí mới, chính quyền cũng hỗ trợ một ít cột, gỗ” - chị Tuyền nói.
 |
Hàng ngày, chị Tuyền vẫn thường xuyên lau dọn cột mốc ở chính… trong vườn nhà mình. (Ảnh: Đăng Bảy)
|
Chị Tuyền là mẫu người phụ nữ siêng năng, tháo vát. Nói chuyện với khách, nhưng chị làm luôn tay, luôn chân. Vừa bỏ mấy ôm cỏ cho bò ăn, chị đã quay qua đốt đống lá khô bên cạnh để tránh cho bò khỏi bị muỗi cắn. Chị kể, nhà có 6,5 công ruộng (6.500m2), làm một năm 2 vụ, nếu được mùa thì mỗi năm cũng được hơn chục tấn lúa. Ngoài ra, chị còn nuôi 6 con bò đẻ và nuôi chung ao cá với người em. “Gia đình mình ở đây gần 30 năm rồi, lúc đó, mình mới hơn 10 tuổi à. Khi chính quyền tới nói chuyện xây cột mốc, mình đồng ý ngay.
Không chỉ mình, mà con gái mình cũng rất vui. Đi học, cháu vẫn tự hào nói với bạn bè: Nhà tui có cột mốc nè. Nhiều bữa, cả toán học sinh còn kéo về nhà chơi, ra chụp ảnh với cột mốc rồi đưa lên zalo, facebook nữa. Với người dân biên giới chúng tôi, cột mốc luôn là điểm tựa tinh thần” - chị Tuyền chia sẻ. Đang nói chuyện với khách, chị Tuyền lại tất tả đi ướp cá. Hai người em trai hàng xóm vừa chở sang cho nhà chị khoảng 20-30kg cá nhỏ. Loáng cái, cái khạp ướp cá đã được đặt gọn gàng dưới gốc cây ổi, ngay phía sau cột mốc…
Là nông dân, suốt ngày lo chuyện đồng áng, con cá, hạt lúa, nhưng chị Tuyền, chị Loan, chị Tư, anh Trắng, anh Sol và rất nhiều người dân ở dọc biên giới Đồng Tháp luôn nêu cao ý thức về việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Mọi người đều coi cột mốc như điểm tựa tinh thần, chăm sóc, quét dọn, vệ sinh hàng ngày… Đây chính là sức mạnh của lòng dân ở khu vực biên giới, là cánh tay nối dài cùng với BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.
Phương Vy
Nguồn: bienphong.com.vn