Chung sức giữ bình yên vùng biển, đảo của Tổ quốc
Thiếu tướng Vũ Trung Kiên. (Ảnh: Anh Ngọc)

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên. (Ảnh: Anh Ngọc)

- Thưa đồng chí Phó Tư lệnh, hiện nay, hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên khu vực biển, đảo có xu hướng gia tăng, hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Với vai trò nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ ANQG, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên biển, thời gian qua, lực lượng CSB đã triển khai công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chức năng như thế nào?

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với phát triển mạnh kinh tế biển, chúng ta phải đối mặt với tình trạng vi phạm pháp luật trên biển ngày càng gia tăng. Qua thực tiễn đấu tranh cho thấy, xu hướng dịch chuyển các loại tội phạm xuống hướng biển ngày càng rõ nét, tập trung vào các nhóm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép xăng, dầu, khoáng sản, sản phẩm động vật hoang dã và tội phạm về ma túy. Bên cạnh đó, vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) giảm nhưng còn phức tạp, chưa đáp ứng yêu cầu gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những vụ việc xảy ra trên biển có thể chỉ là biểu hiện “phần ngọn”, bề nổi của vấn đề, còn “phần gốc”, nơi phát sinh của tội phạm lại ở địa bàn khác. Các đối tượng vi phạm pháp luật hình thành các đường dây, hoạt động từ ngoài biên giới, rồi qua biên giới, địa bàn nội địa, đến địa bàn ven biển, xuống biển và thậm chí ra cả nước ngoài. Do vậy, để đấu tranh, ngăn chặn với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển cần có sự phối hợp hoạt động giữa CSB với các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực thi pháp luật, bảo vệ ANQG, TTATXH trên biển.

Nhận thức rõ nhu cầu tất yếu phải phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển; thực hiện Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CSB Việt Nam, Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chức năng như BĐBP, Công an, Hải quan... và chính quyền các địa phương ven biển để “khép kín địa bàn”, huy động được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

Trong số các quy chế phối hợp đã ký kết với các lực lượng chức năng, đáng kể đến là Quy chế số 439/QC-CSB-BĐBP ngày 12/1/2022 giữa CSB và BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên các vùng biển. Đây là văn bản quan trọng, điều chỉnh nhiều nội dung trong công tác phối hợp giữa hai lực lượng, từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trao đổi, thông báo tình hình; đến phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vụ việc; thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm; tìm kiếm cứu nạn và xử lý tình thế cấp thiết trên biển; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trong xây dựng lực lượng...

- Với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng, thời gian qua, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa BĐBP và CSB đã đạt được kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí Phó Tư lệnh?

- Như trên đã nói, thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng CSB và lực lượng BĐBP thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật tại khu vực biển, đảo đã được xác định trong Quy chế số 439/QC-CSB-BĐBP ngày 12/1/2022. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị của CSB và BĐBP đã cụ thể hóa thành các kế hoạch theo phân cấp và nhiệm vụ cụ thể.

Trên cấp Bộ Tư lệnh, hai lực lượng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và trực tiếp là Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm; các cơ quan Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh CSB thường xuyên phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh BĐBP xác lập chuyên án, xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các đường dây mua bán người, tội phạm về ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, xuất nhập cảnh trái phép, đấu tranh với các đường dây tổ chức cho tàu cá ra nước ngoài khai thác trái phép, các loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép xuyên quốc gia...

Ở cấp đơn vị, các Bộ Tư lệnh Vùng CSB, các Đoàn Trinh sát, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển, các Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Đoàn Trinh sát, các hải đoàn và các đồn Biên phòng trong xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, tổ chức điều tra cơ bản, quản lý các loại đối tượng chung; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.

Từ khi triển khai thực hiện Quy chế số 439/QC-CSB-BĐBP đến nay, hai lực lượng đã đạt được những kết quả, nổi bật là:

Thứ nhất, về phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, thông báo tình hình, hai bên đã trao đổi, thông báo cho nhau trên 9.000 tin có giá trị liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống tội phạm, vi phạm trên các vùng biển.

Thứ hai, về phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vụ việc, hai bên đã chủ động phối hợp tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, trong đó, đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, kết hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá vịnh Bắc Bộ 17 chuyến; cùng phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao giải quyết, xử lý 4 vụ cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên biển; phát hiện, xử lý theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế 41 tàu vận tải nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; xác minh 477 vụ/380 tàu/3.261 ngư dân liên quan đến tàu cá của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, xua đuổi, tịch thu, đập phá tài sản; xua đuổi hàng nghìn lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; phối hợp tổ chức 4 đợt đón, tiếp nhận 1.162 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ về nước bằng đường biển bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Thứ ba, về phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển, CSB và BĐBP luôn kịp thời cung cấp thông tin, tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ lẫn nhau, phát hiện và đấu tranh xử lý trên 200 vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, tội phạm về ma túy, vi phạm IUU. Trong đó, các vụ việc vi phạm trên biển, tang vật thu được gồm: trên 74.000 tấn xăng dầu các loại, trên 285.000 tấn than, trên 100.000 bao thuốc lá ngoại, 50 khẩu súng, trên 4.000kg ngà voi, 0,4 tấn vảy tê tê, trên 2.000kg thuốc nổ, trên 6.000 kíp nổ, trên 1.000m dây cháy chậm, 163 bộ kích điện... Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, hai bên đã phối hợp đấu tranh 10 vụ/12 tàu/82 thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) có hành vi tháo gửi, trông giữ thiết bị VMS để khai thác hải sản trái phép trên biển, tiến hành khởi tố và bàn giao cho cơ quan điều tra, đã tạo ra sự răn đe, cảnh báo hiệu quả.

Thứ tư, về phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, CSB và BĐBP đã phối hợp tổ chức trên 300 đợt tuyên truyền với hơn 300.000 lượt người tham gia; cấp phát gần 300.000 tờ rơi; trên 1.500 cuốn sách pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Hai bên cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương xây dựng phóng sự, tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, vận động ngư dân làm ăn trên biển, các thủy thủ, thuyền viên làm việc trên các phương tiện vận tải và bà con nhân dân khu vực biên giới biển nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện tốt phong trào quần chúng phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm, tích cực cung cấp thông tin tố giác vi phạm, tội phạm.

Thứ năm, các cơ quan, đơn vị hai bên đã thường xuyên trao đổi, thống nhất đánh giá, nhận định tình hình và tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” về an ninh trật tự. Điển hình như đã tham mưu cho chính quyền các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp ngư trường ở vùng biển Tây Nam trong dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024 vừa qua.

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân thành “thế trận lòng dân” vững chắc trên biển; góp phần bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; tạo điều kiện ngư dân an tâm vươn khơi bám biển; phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên thăm, trao đổi thông tin với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau. (Ảnh: Anh Ngọc)

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên thăm, trao đổi thông tin với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau. (Ảnh: Anh Ngọc)

- Theo đồng chí, trong thời gian tới, công tác phối hợp hiệp đồng giữa BĐBP và CSB cần tập trung vào nội dung gì để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển, buôn lậu, mua bán người, tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường... ngày càng diễn biến khó lường?

- Diễn biến tình hình trên khu vực biên giới biển và trên biển đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp cả về chủ quyền, an ninh, TTATXH, trong đó, các yếu tố an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển, buôn lậu, mua bán người, tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường... đan xen, chuyển hóa lẫn nhau và ngày càng diễn biến khó lường. Trong thời gian tới, theo tôi, để phát huy những kết quả phối hợp đã đạt được, CSB và BĐBP cần tập trung phối hợp thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác dự báo, đánh giá tình hình; thống nhất tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân chung tay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ANQG, TTATXH trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống trên hướng biển; giữ ổn định tình hình, gắn củng cố quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo với phát triển kinh tế biển.

Hai là, tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên BĐBP, CSB về tầm quan trọng của công tác phối hợp hoạt động trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm. Đặc biệt là tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật Biên phòng Việt Nam, Luật CSB Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành, Quy chế phối hợp số 439/QC-CSB-BĐBP năm 2022 giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Tư lệnh CSB trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự trên các vùng biển. Qua đó, xây dựng động cơ, tinh thần, trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong hoạt động phối hợp, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu đơn vị; khắc phục triệt để tư tưởng xem nhẹ công tác phối hợp, “việc anh - việc tôi” dẫn tới phối hợp thiếu chặt chẽ, toàn diện, không tạo được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn TTATXH trên biển.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác phối hợp. Đây là nhân tố quyết định hiệu quả thực hiện kế hoạch phối hợp và việc hoàn thành nhiệm vụ của từng lực lượng. Hai bên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo địa bàn được phân công quản lý; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, thông báo tình hình có liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị, phòng chống tội phạm, quản lý kiểm soát phương tiện nghề cá. Kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp nhằm đưa công tác phối hợp đảm bảo thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa bàn, đặc biệt là công tác phối kiểm, trao đổi thông tin, tình hình, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Bốn là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp hoạt động giữa hai lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên để tạo nên sức mạnh chung; làm cho môi trường an ninh trên biển ngày càng ổn định, phát triển. Công tác đổi mới trong hoạt động phối hợp phải bảo đảm tính toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, song phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, cần đổi mới về: trao đổi thông tin, nghiên cứu dự báo những tình huống chiến lược về an ninh, trật tự để tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, đối sách lớn; phối hợp trong xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ chung, tuần tra, kiểm soát đấu tranh chống xâm phạm, vi phạm; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật...

Năm là, tăng cường phối hợp quản lý phương tiện, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng; nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, phối hợp xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép; xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người qua đường biển, vi phạm IUU... Thường xuyên tổ chức giao ban, sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về công tác phối hợp để kịp thời điều chỉnh những vấn đề bất cập và bổ sung những vấn đề phát sinh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Sáu là, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho cán bộ và quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo, ngư dân làm ăn sinh sống trên biển. Qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ BĐBP và CSB thêm gắn bó mật thiết, tăng cường sâu sắc mối quan hệ đoàn kết với chính quyền, nhân dân các địa phương ven biển; giúp nhân dân, ngư dân có kiến thức pháp luật, thực hiện khai thác thủy hải sản, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, tích cực tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật với BĐBP, CSB để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn các vùng biển, đảo...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Tư lệnh!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất