(TTĐN) - Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định rõ, phải dựa vào dân, giữ được yên dân để bảo vệ được biên giới. Trên cơ sở đó đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, kết hợp với triển khai công tác dân vận. Thời gian qua, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của huyện đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ trên. Có nhiều mô hình dân vận được cán bộ, chiến sĩ BĐBP triển khai rất sáng tạo, thiết thực đi vào lòng dân”.
|
Đồn Biên phòng Tam Quang phối hợp với chính quyền địa phương, mạnh thường quân tổ chức khánh thành “Ký túc xá vùng biên” phục vụ học sinh nghèo. (Ảnh: Viết Lam)
|
Bài 2: Nhiều cách làm thiết thực đi vào lòng dân
Trải qua quá trình dài bám địa bàn, hiểu rõ điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc, BĐBP Nghệ An đã xây dựng nhiều mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế gắn với công tác dân vận rất hiệu quả. Từ thành công bước đầu, nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực được các đơn vị Biên phòng nhân rộng trên khu vực biên giới đất liền, ven biển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Lan tỏa những cách làm hay
Cùng với những chương trình, mô hình dân vận lớn của toàn lực lượng BĐBP như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”..., những năm qua, BĐBP Nghệ An đã bám sát tình hình thực tế địa bàn, xây dựng, lan tỏa nhiều mô hình dân vận rất thiết thực. Đồn Biên phòng Mỹ Lý được giao nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới đất liền kéo dài, phụ trách địa bàn 2 xã Mỹ Lý và Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn), dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Hằng năm, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã huy động nguồn lực, vật chất đưa lên biên giới với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào. Bên cạnh nghĩa cử cao đẹp đối với đồng bào, vẫn có một số đối tượng lợi dụng hoạt động từ thiện với mục đích truyền đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ thực tế địa bàn, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện” trên biên giới. Ngôi nhà đặc biệt trở thành địa chỉ tiếp nhận hàng hóa, vật chất do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân dân trên địa bàn. Những mặt hàng “0 đồng” được những người lính mang quân hàm xanh phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng có liên quan trao tận tay nhân dân theo đúng đối tượng. “Ngôi nhà thiện nguyện” của Đồn Biên phòng Mỹ Lý còn có công năng của một thư viện, điểm cắt tóc, phòng vi tính phục vụ miễn phí cho học sinh, cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Thông qua mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính quyền địa phương. Từ những lợi ích mang lại, đến tháng 8/2024, có thêm 6 đồn Biên phòng của BĐBP Nghệ An đã xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện” trên địa bàn phụ trách để giúp đỡ nhân dân và triển khai công tác dân vận.
Tại địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có không ít học sinh là con em của đồng bào Đan Lai sinh sống ở bản làng giữa đại ngàn Pù Mát, có nguy cơ bỏ học giữa chừng sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học ở điểm trường trong bản. Bởi để theo bậc trung học cơ sở, các em phải ra trung tâm xã trọ học, cách địa bàn sinh sống của người Đan Lai khoảng 20km đường rừng núi, sông suối. Hiểu rõ điều đó, năm 2022, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương, ngành giáo dục huy động các nguồn lực xây dựng mô hình “Ký túc xá vùng biên”. Từ đó đến nay, khu ký túc xá đặc biệt của trường học vùng cao này, có cán bộ đồn Biên phòng quản lý, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho trên 60 học sinh người Đan Lai vươn lên thực hiện ước mơ con chữ. Từ thành công ở Môn Sơn, Đồn Biên phòng Tam Quang cũng đã huy động trên 300 triệu đồng xây dựng, đưa vào sử dụng khu “Ký túc xá vùng biên”, cử cán bộ hỗ trợ 40 học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái, Tày Poọng, Đan Lai sinh sống ở bản làng vùng sâu, vùng xa ra trung tâm xã bám lớp học tập.
Hỗ trợ sinh kế giúp dân thoát nghèo
Quá trình bám đơn vị thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An luôn chú trọng công tác tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Có một điều rất đặc biệt, những người lính mang quân hàm xanh còn dành nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi là kết quả của tăng gia sản xuất để tặng hộ dân nghèo trên địa bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
|
Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu tặng lợn giống cho gia đình ông Lương Phò Chắn phát triển chăn nuôi. (Ảnh: Viết Lam)
|
Những ngày cuối tháng 8/2024, ông Lương Phò Chắn, bản Quyết Thắng, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn rất vui mừng khi được Đồn Biên phòng Keng Đu mời lên nhận 2 con lợn giống do đơn vị tặng. Cùng thời điểm này, hoạt động tặng con giống cho hộ gia đình nghèo cũng diễn ra ở nhiều đơn vị khác của BĐBP Nghệ An trên tuyến biên giới đất liền, ven biển. Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2015, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An triển khai dự án chăn nuôi lợn bản địa, tặng con giống cho người nghèo trên địa bàn biên giới. Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, cấp lợn nái cho các đồn Biên phòng tăng gia sản xuất, chăn nuôi phát triển. Trên cơ sở đó, mỗi năm, mỗi đơn vị có trách nhiệm hỗ trợ 20 con lợn giống cho người dân địa phương. Trải qua gần 10 năm thực hiện dự án, BĐBP Nghệ An đã tặng hàng nghìn con lợn giống bản địa giúp nhiều gia đình ở biên giới có sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên khu vực ven biển, các đồn Biên phòng như: Diễn Thành, Quỳnh Thuận, Quỳnh Phương, cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy cũng rất linh hoạt trong nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, gắn liền với công tác dân vận. Trung bình mỗi đơn vị đều hỗ trợ từ 2-4 gia đình xây dựng mô hình sinh kế bền vững, trong đó có cả đồng bào giáo dân.
Bà Thái Thị Toàn, xóm 3, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu là một trong những gia đình được Đồn Biên phòng Diễn Thành và chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, xây dựng mô hình nuôi gà khép kín. Khi được hỏi, bà Toàn chia sẻ: “Nhờ có cán bộ, chiến sĩ BĐBP hỗ trợ giống vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ổn định hơn. Cuộc sống của gia đình chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn trước, tình cảm quân dân thêm gắn bó”.
Thực tế cho thấy, BĐBP Nghệ An đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế gắn với việc triển khai nhiệm vụ dân vận hiệu quả. Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định rõ, phải dựa vào dân, giữ được yên dân để bảo vệ được biên giới. Trên cơ sở đó đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, kết hợp với triển khai công tác dân vận. Thời gian qua, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của huyện đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ trên. Có nhiều mô hình dân vận được cán bộ, chiến sĩ BĐBP triển khai rất sáng tạo, thiết thực đi vào lòng dân”.
Bài 3: Đồng lòng xây dựng vùng biên khởi sắc
Viết Lam
Nguồn: bienphong.com.vn