Bến Tre với khát vọng vươn mình ra biển
Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. (Ảnh tư liệuTTXVN)

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. (Ảnh tư liệuTTXVN)

Để hiện thực hóa khát vọng này đòi hỏi Bến Tre phải có nguồn lực và chính sách kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực lấn biển có lợi thế rất lớn của tỉnh. Bến Tre đang nỗ lực tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào Bến Tre, nhất là với khu lấn biển ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại.

Lấn biển làm giàu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là định hướng phát triển về hướng Đông. Trong các khu chức năng, Bến Tre định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển. Phát triển về hướng Đông cũng là nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hướng đi này sẽ tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội cho tỉnh với mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh khá vào năm 2030 và là nơi đáng sống vào năm 2050.

“Bến Tre định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển sẽ đầu tư lĩnh vực thủy sản, năng lượng, cảng biển, logistics nhằm phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và đô thị ven biển. Trong tổng số diện tích 50.000ha lấn biển, khu vực lấn biển tại huyện Bình Đại lớn nhất với khoảng 21.000 ha, huyện Thạnh Phú khoảng 15.000 ha và huyện Ba Tri khoảng 14.000 ha. Phát triển kinh tế thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, logistics được Bến Tre xem là những mũi nhọn kinh tế hướng ra biển để làm giàu”, ông Trần Ngọc Tam khẳng định.

Trong quy hoạch cảng biển quốc gia, Bến Tre có một cảng biển và được bố trí trong khu vực lấn biển. Từ những mũi nhọn kinh tế này, Bến Tre có thể phát triển thương mại, du lịch và đô thị ven biển.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre đặt ra mục tiêu lấn biển 50.000 ha để phát triển đô thị biển, khu công nghiệp và các ngành kinh tế biển khác. Bến Tre xây dựng cảng biển loại 2 để phát triển dịch vụ logistics và du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ phát triển năng lượng sạch và năng lượng mới trên khu vực này. Cùng với việc phát triển 4.000 ha nông nghiệp công nghệ cao, Bến Tre chú trọng khai thác và phát triển các ngành kinh tế truyền thống như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

“Vùng lấn biển phía đông các huyện Ba Tri - Bình Đại - Thạnh Phú được xác định là vùng kinh tế động lực quan trọng có vai trò thúc đẩy để mở ra cánh cửa quan trọng giúp Bến Tre trở thành tỉnh khá giàu, là địa phương đáng sống trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung”, ông Trần Ngọc Tam kỳ vọng.

Với khát vọng và quan điểm phát triển “dựa vào nội lực là nền tảng, cơ bản lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá”, Bến Tre đã và đang thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh theo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với từng dự án hoặc theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư.

Đồng hành với chính sách

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát các dự án điện gió ở vùng biển. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát các dự án điện gió ở vùng biển. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Để phát triển hướng Đông, lấn biển làm giàu, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đối với các dự án đầu tư tại 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, nhà đầu tư được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất 11 năm sau khi kết thúc thời gian xây dựng cơ bản; được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cao nhất, đó là 10% áp dụng 15 năm đầu, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Đối với các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa, ngoài chính sách của Trung ương, các nhà đầu tư được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng đối với từng địa bàn cụ thể.

Đối với đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp cụm công nghiệp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế suất ưu đãi theo địa bàn; được hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tối đa 20% khi đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp và tối đa 30% khi đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp. Thời gian thuê đất tối đa 50 năm.

Đối với địa bàn huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất 7 năm sau khi kết thúc thời gian xây dựng cơ bản. Nhà đầu tư được ưu đãi về thuế mức thuế suất doanh nghiệp 17%, áp dụng cho 10 năm đầu. Miễn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo. Tính liên tục từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian giảm, miễn thuế tính từ năm thứ 4.

Ngoài ra, Bến Tre còn ban hành một số chính sách, quy định ưu đãi đầu tư cho dự án thứ cấp trong và ngoài khu công nghiệp; chính sách cho dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp nhỏ nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.  Các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực được tỉnh xây dựng theo hướng ưu đãi cao nhất so với cả nước. Đặc biệt, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ duy nhất một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp để được hỗ trợ.

Theo ông Dương Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, bên cạnh việc ban hành các chính sách cụ thể, tỉnh còn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với thời gian quy định; thành lập tổ dịch vụ công hoạt động theo cơ chế một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp, để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế.

Nhờ đó mà trong 9 tháng năm 2024, Bến Tre đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án (1 dự án FDI vốn đăng ký 2,65 triệu USD, 4 dự án trong nước vốn đăng ký 82,75 tỷ đồng).

Tính đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 330 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, có 68 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 1.659 triệu USD và 262 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.587,88 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến được tập trung triển khai ngay từ đầu năm 2024. Bến Tre đã tiếp và làm việc với 120 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ 1.116 lượt nhà đầu tư, doanh nghiệp về thủ tục đầu tư kinh doanh.

Điển hình mới đây nhất là tại hội nghị xúc tiến đầu tư 2024, Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến và Chủ tịch UBND tỉnh bến Tre Trần Ngọc Tam đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 nhà đầu tư với 6 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 7.985 tỷ đồng.

Cũng nhân sự kiện này, các nhà đầu tư cam kết hợp tác triển khai thực hiện dự án, với tổng số vốn đầu tư dự kiến đăng ký khoảng 303.125 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng đã trao Bản ghi nhớ cam kết hợp tác đầu tư cho 23 nhà đầu tư.

“Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, Bến Tre liên tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có năng lực điều hành xuất sắc và Bến Tre đã trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá.

“Để hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng, tỉnh Bến Tre cần phải có thời gian và sự chấp thuận chủ trương, những chính sách của Trung ương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương. Bến Tre cam kết sẽ thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư. Riêng một số chính sách ưu đãi của tỉnh Bến Tre, tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư”. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cam kết.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất