|
Ông Bế Minh Đức Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng (Ảnh: vov.vn)
|
Trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử vừa qua, tỷ lệ người DTTS tham gia bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị đại diện cho nhân dân đã đạt một số thành tựu, nhìn chung tăng cả về số lượng cũng như chất lượng. Từ lúc mới có 10,2% (khóa I), đến khóa XII là 17,7%, khóa XIII chiếm 15,6%, khóa XIV là 17,3%.
Tuy vậy, thực tế qua 14 nhiệm kỳ, chưa nhiệm kỳ nào số đại biểu người DTTS đạt tỷ lệ 18% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ đạt cao nhất mới được 17,7% (khóa XII).
Người DTTS tham gia Quốc hội chưa đạt mục tiêu 18%: Có nhiều nguyên nhân
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan khiến cho tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong Quốc hội những năm qua chưa đạt mục tiêu đề ra, đó là chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc thiểu số nói riêng, còn thấp. Số lượng có trình độ đại học, cao đẳng và đặc biệt là trên đại học chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số.
Đặc biệt, ông Giàng A Chu cũng chỉ ra rằng, một số ứng viên đại biểu Quốc hội chưa hội tụ đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh khi xuất hiện trước công chúng cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri. Trong khi đó, một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong bầu cử theo cơ cấu, thành phần, mang tính đại diện trong Quốc hội.
Là người dân tộc thiểu số từng ứng cử đại biểu Quốc hội và trúng cử, sau đó được phân công làm Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, theo ông Bế Minh Đức, có nguyên nhân liên quan đến công tác lựa chọn ứng cử viên từ đầu.
Ông Đức cho rằng, trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bao giờ cũng có cơ cấu định hướng, cơ cấu kết hợp. Để đạt được tỷ lệ người dân tộc thiểu số ứng cử trong Quốc hội, cơ quan chức năng có thẩm quyền khi rà soát, sắp xếp, bố trí nhân sự giới thiệu ứng cử cần xác định cơ cấu định hướng liên quan người dân tộc thiểu số để đảm bảo tỷ lệ trúng cử cao.
Cùng với đó, theo quan điểm của Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, trong quá trình lựa chọn người dân tộc thiểu số ứng cử ĐBQH, cần giới thiệu những người có kinh nghiệm, địa vị xã hội, có chức vụ trong công tác, kinh nghiệm thực tiễn ứng cử, thì khả năng trúng cử cũng sẽ cao hơn. Đặc biệt, việc đưa người ứng cử là người dân tộc thiểu số về ứng cử ở những khu vực tập trung đông người dân tộc thiểu số cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
“Gánh” nhiều tiêu chí là một hạn chế cho người dân tộc thiểu số ứng cử ĐBQH
Ông Đức cho rằng, nếu nói “mỗi ứng cử viên phải “gánh” quá nhiều tiêu chí là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ người dân tộc thiểu số trúng cử ĐBQH còn thấp”, cũng có phần đúng. Bởi khi đã giới thiệu người dân tộc thiểu số, mà để họ gánh quá nhiều cơ cấu như vừa là nữ, lại vừa trẻ tuổi, vừa ngoài Đảng, vừa là người dân tộc thiểu số thì chắc chắn với cơ cấu kết hợp như vậy rất khó để chọn người có chức vụ hay vị trí công tác, kinh nghiệm thực tiễn. “Chỉ riêng tiêu chí vừa trẻ, lại vừa ngoài Đảng, tìm được người đáp ứng yêu cầu này đã là rất khó khăn rồi”.
Ông Đức nhấn mạnh như vậy, đồng thời khẳng định “việc sắp xếp, cơ cấu kết hợp, nghĩa là “gánh” nhiều tiêu chí như thế, là một hạn chế cho người dân tộc thiểu số ứng cử ĐBQH”.
Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, cho rằng, thực tế ấy đã tồn tại ở nhiều nhiệm kỳ.
“Khi tìm và giao các cơ cấu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là người dân tộc thiểu số, thường giao là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau đã hiếm lại phải gánh nhiều cơ cấu như thế rất khó kiếm”, bà Luyến chia sẻ.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, thực tế điều kiện để học hành, tham gia các hoạt động xã hội đối với người dân tộc thiểu số, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra là rất khó. “Chúng tôi mong muốn đối với ứng cử viên là nữ, là người dân tộc thiểu số thì nên để họ “gánh” ít cơ cấu thôi”, bà Luyến đề nghị.
Tạo điều kiện cho cán bộ người dân tộc thiểu số có cơ hội rèn luyện
Trong danh sách 868 ứng cử viên chính thức đại biểu Quốc hội khóa XV, có 185 ứng cử viên dân tộc thiểu số, chiếm 21,31%. Để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số từ 17,3% ở khóa XIV lên 18% trong khóa XV, khoảng cách 0,7% có vẻ như là rất ngắn, nhưng cũng không dễ dàng có thể đạt được. Kết quả đó phụ thuộc nhiều vào chất lượng của ứng cử viên trong tranh cử; quá trình chuẩn bị cho các ứng cử viên xây dựng năng lực, chương trình hành động. Và điều quan trọng nhất, là họ có vận động được cử tri bỏ phiếu cho họ hay không.
Nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương rất rõ cùng với nhiều chính sách định hướng về đào tạo đối với thế hệ trẻ cũng như người dân tộc thiểu số từ các cấp học thấp nhất như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến hệ đại học. Tuy nhiên, bà Lò Thị Luyến thừa nhận, trên thực tế, một bộ phận người dân tộc thiểu số để đáp ứng được những yêu cầu, điều kiện này cũng rất khó khăn.
Về lâu dài, để cho nhiều người dân tộc thiểu số có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng được hoạt động nghị trường, ông Bế Minh Đức cho rằng, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách đào tạo bồi dưỡng lâu dài, tạo điều kiện cho cán bộ người dân tộc thiểu số có cơ hội rèn luyện; trong quá trình công tác khi có đủ điều kiện thì quan tâm bồi dưỡng, bố trí, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số. Khi được giới thiệu, khả năng trúng cử và đạt được mục tiêu về người dân tộc thiểu số trúng cử ĐBQH sẽ cao hơn./.
Thanh Hà
Nguồn: vov.vn