Qua muôn vàn khó khăn để đi đến thắng lợi

5 yếu tố tạo nên sự thành công

75 năm trước, ngày 6.1.1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được toàn thể cử tri từ Bắc tới Nam đi bầu đạt 98,77% dù trong hoàn cảnh cả nước, nhất là ở miền Nam kẻ thù vẫn ra sức chống phá. Có những đại biểu Quốc hội được bầu ở miền Nam nhưng khi đi ra tới Thủ đô Hà Nội thì Kỳ họp thứ Nhất đã bế mạc, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Thập, bà Ngô Thị Huệ và một số đại biểu Quốc hội khác phải vừa đi vừa chiến đấu với kẻ thù đang phá hoại nền độc lập của nước nhà.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV được tổ chức vào ngày Chủ nhật 23.5.2021 diễn ra trong lúc đại dịch Covid-19 đang xảy ra trên gần nửa số địa phương trên cả nước, cao điểm là ở các tỉnh, thành phố như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác nữa. Thế nhưng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo quyết liệt “vừa chống dịch, vừa tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 an toàn…”, nhờ tinh thần đoàn kết, nghiêm túc chấp hành pháp luật, nên cuộc bầu cử đã thực sự là “Ngày hội non sông” và thành công rất tốt đẹp. Cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội Khóa XV, thực sự là những người được cử tri và Nhân dân tín nhiệm. Bạn bè quốc tế chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công cuộc bầu cử với hơn 69 triệu cử tri cả nước đi bầu cử trong mùa dịch, vùng dịch mà vẫn an toàn.

Dù trong hoàn cảnh đất nước rất khác nhau, cách nhau gần tám thập niên nhưng hai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa I và bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV đều phải vượt qua muôn vàn khó khăn để đi đến kết quả thắng lợi cuối cùng. Để có được kết quả tốt đẹp ấy, trước hết là do ý thức làm chủ của người dân, họ mong muốn tự cầm lá phiếu bầu cho người mình tín nhiệm. Thứ hai là, công tác tổ chức chu đáo, quan tâm đến từng cử tri, không để sót ai dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Thứ ba là, tỷ lệ giữa ứng cử viên với đại biểu Quốc hội được yêu cầu đủ để cử tri cân nhắc, lựa chọn. Thứ tư là, người được đề cử cũng như người tự ứng cử đều qua sự gạn lọc của cử tri nơi công tác, cử tri nơi cư trú rồi mới đến cử tri nơi ứng cử. Đặc biệt, cử tri nơi làm việc và nơi cư trú là sự lựa chọn rất gắt gao. Vì thế, khi có tên trong danh sách ứng cử viên chính thức thì đều đã bảo đảm yêu cầu, xứng đáng để cử tri bầu chọn. Thứ năm là, sự kết hợp hài hòa giữa tiêu chuẩn của ứng cử viên với yêu cầu cơ cấu ngày càng tốt hơn. Khắc phục dần tình trạng một ứng cử viên phải “gánh” nhiều cơ cấu như: Nữ, trẻ, ngoài Đảng, dân tộc…

Xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia

Cùng với những kết quả đạt được, từ cuộc bầu cử cũng có một số vấn đề cần tiếp tục phân tích, hoàn thiện. Trước hết, về tiêu chuẩn người ứng cử, nhất là những người nếu trúng cử dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách tại Quốc hội. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020 thì “số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội”. Quy định này nhằm chuyên môn hóa hoạt động Quốc hội, giúp Quốc hội thực hiện 3 chức năng: Lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thực tế, từ xưa đến nay, nước ta không có trường đại học chuyên ngành nào đào tạo những người sẽ ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội, nhất lại là đại biểu Quốc hội chuyên trách. Vì vậy, đòi hỏi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp) cần có những tiêu chí và tiêu chuẩn riêng đối với người ứng cử dự kiến làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Không nên “lấy” bất kỳ người nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để giới thiệu đi ứng cử, nếu trúng cử thì về làm chuyên trách.

Kinh nghiệm một số khóa Quốc hội trước đây, không có “chọn” trước rồi đưa đi ứng cử mà sau khi đã được Quốc hội bầu vào cơ quan của Quốc hội thì cơ quan đó mới yêu cầu “chọn” đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có thể mỗi cách làm có ưu điểm riêng nhưng đây cũng là vấn đề Quốc hội nên dành thời gian phân tích thêm để các nhiệm kỳ tới ngày càng hoàn thiện hơn.

Về chuyên gia, nên chăng Nhà nước cần ban hành “bộ tiêu chí” về chuyên gia, bao gồm các tiêu chuẩn về học vị, học hàm, kinh nghiệm qua thực tiễn, độ tuổi, chế độ đãi ngộ… Đặc biệt là chuyên gia trong hoạt động của Quốc hội có mấy vấn đề phải xác định rõ: Họ là đại biểu Quốc hội hay không phải là đại biểu Quốc hội? Nếu trong Quốc hội thì cơ cấu bao nhiêu phần trăm đại biểu Quốc hội là chuyên gia? Tham gia vào các cơ quan Quốc hội hay không tham gia? Hoạt động chuyên trách hay không chuyên trách? Cần bao nhiêu chuyên gia không tham gia Quốc hội nhưng làm việc trong bộ máy của Quốc hội?...

Để giảm dần “gánh nặng làm luật” thì Quốc hội cần hoàn chỉnh hơn về bộ máy, về đại biểu Quốc hội chuyên trách và chuyên gia. Bộ máy đó phải thật tinh, thật sát thực tế và có thể không giống như bộ máy của các cơ quan hành pháp, tư pháp./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất