Lá phiếu gửi gắm niềm tin và trách nhiệm của cử tri Đắk Lắk
Người dân xã Đắk Nuê, huyện Lắk trang trí khu vực bỏ phiếu chào mừng Ngày hội non sông. (Ảnh: TTXVN)

Người dân xã Đắk Nuê, huyện Lắk trang trí khu vực bỏ phiếu chào mừng Ngày hội non sông. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày này, Đắk Lắk đang như vào hội. Trên khắp những nẻo đường, từ thành thị đến buôn làng xa xôi đều rực rỡ cờ, hoa. Tại các khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cờ tổ quốc, băng rôn, biểu ngữ, tranh cổ động... đã được trang trí bài bản, bắt mắt.

Cùng với cử tri cả nước, ngày mai (23/5), hơn 1,34 triệu cử tri của 49 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ cầm lá phiếu trên tay đi bầu những người tiêu biểu về đạo đức, tài năng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này.

Trao gửi niềm tin

Với H’Sinh Bkrông, sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Tây Nguyên), càng sát ngày bầu cử em càng cảm thấy phấn chấn. Em Bkrông cho biết, đây là lần đầu tiên em được đi bầu cử nên rất háo hức mong chờ sớm đến ngày thực hiện quyền công dân của mình. Em biết được rất nhiều thông tin về bầu cử qua báo chí, website của trường và hoạt động tuyên truyền của các anh chị làm công tác đoàn phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột.

Qua tìm hiểu lý lịch các ứng cử viên, em thấy những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc nhiều thành phần, trình độ cao và nhiều năm công tác trong các lĩnh vực. Em sẽ nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra những đại biểu ưu tú nhất.

Phấn khởi, tin tưởng trước Ngày hội non sông, ông Đặng Đình May, Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Quốc hội và Nhà nước luôn quan tâm tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi rất phấn khởi và tin rằng sẽ lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Từ các chương trình hành động, ông thấy các ứng cử viên đều có phương hướng cụ thể, rõ ràng, gắn với quyền lợi của cử tri. Ông mong nhiệm kỳ tới, các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sau khi trúng cử sẽ luôn giữ mối quan hệ mật thiết với người dân, là “cầu nối” giữa người dân với Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, các nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế; đặc biệt là những quyết sách, định hướng để đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển…

Kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có những đổi mới về nội dung, phương thức nên hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, cử tri Đắk Lắk kỳ vọng, những đại biểu được tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thực sự là đại biểu đại diện cho quyền làm chủ của cử tri, nhân dân, đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Các tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày hội non sông. (Ảnh: TTXVN)

Các tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày hội non sông. (Ảnh: TTXVN)

Hòa thượng Thích Châu Quang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đánh giá trong nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu, đặc biệt là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy hiệu quả hoạt động, sâu sát, gần với nhân dân vùng sâu, vùng xa, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Hội đồng nhân dân tỉnh có những cuộc họp tập trung trí tuệ, thảo luận và làm sáng tỏ nhiều vấn đề, thực hiện Nghị quyết phù hợp với bối cảnh đất nước và sát với thực tiễn địa phương; nâng cao ý thức về pháp luật và trách nhiệm cho nhân dân; kiến tạo diện mạo buôn làng xanh sạch đẹp, đô thị hóa, kiến tạo bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Mong muốn trong ngày bầu cử tới, cử tri sẽ chọn được đại biểu xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng, tâm nguyện của nhân dân, cùng các cấp chính quyền xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cùng xây dựng đất nước phát triển.

Thạc sỹ Lê Đình Hoan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận xét trong những năm qua, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có sự đổi mới cả về mặt nội dung và phương thức để nâng cao chất lượng hoạt động.

Một trong những điều quan trọng là chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên. Đơn cử như, trong tổng số 15 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Đắk Lắk lần này thì có tới 11 người có bằng thạc sỹ, 1 tiến sỹ và 3 cử nhân.

Như vậy xét về mặt học vấn là rất đáng mừng vì các ứng viên có trình độ đào tạo cao; các lĩnh vực đào tạo rất phong phú, có kiến thức chuyên sâu. Hơn nữa, các ứng viên đều có bề dày kinh nghiệm công tác, được bố trí nhiều chức vụ khác nhau.

Vì vậy, nếu trúng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu sẽ nắm bắt, phân tích được nhanh vấn đề, làm tốt vai trò, chức trách của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước.

Ông Lê Đình Hoan kỳ vọng rằng, các đại biểu sau khi trúng cử, bằng trí tuệ của mình, trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sẽ nhấn “nút” ban hành các văn bản quy phạm phát luật mang tính khách quan, khoa học, khả thi cao để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, địa phương, mang lại lợi ích cao nhất, hợp pháp, chính đáng cho nhân dân.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, tin tưởng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần vào thành công chung của đất nước./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất