(TTĐN) - Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã đạt được những thành quả tốt đẹp, nhưng việc hoàn thiện, đổi mới, đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội các khóa tới lên tầm cao mới là quá trình liên tục như một dòng chảy. Từ những trăn trở, gửi gắm của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười một - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV cũng đã cho thấy những công việc cần được chuyển tiếp và thực hiện hiệu quả hơn nữa ở nhiệm kỳ Khóa XV.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV
|
Tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp
Trước hết là, tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp, nâng cao tuổi thọ của mỗi đạo luật, nhất là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng lợi ích cục bộ trong xây dựng luật.
Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật: Ba khóa Quốc hội của thời kỳ đầu công cuộc đổi mới (các Khóa VIII, IX, X) đã xuất hiện hiện tượng nhiều luật chồng chéo, mâu thuẫn. Tại cuộc hội thảo ngày 25 và 26.2.2002 của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội Khóa X đã tổng kết một trong những tồn tại của công tác xây dựng luật khi đó là “5 không, 4 mất, 3 chờ”.
5 “không” là: không đồng bộ, không thống nhất, không minh bạch, không thực tế và không đủ rõ. 4 “mất” là: mất thời gian, mất chi phí, mất cơ hội và mất bạn hàng. 3 “chờ” là: chờ xin ý kiến, chờ xét duyệt và chờ ký. Trong đó, 3 “chờ” thuộc khuyết điểm chủ quan của bộ máy hành chính; 4 “mất” là hậu quả của 5 “không”. Còn một trong những nguyên nhân lớn, khách quan của 5 “không” là, lúc đó, chúng ta mới bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hơn 25 năm, mà cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước thì tiền thân của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước...
Quốc hội Khóa XIV, cùng với việc ban hành các đạo luật mới nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi phát triển của đất nước đã tiếp tục tập trung khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Dù vậy, nhiệm vụ rà soát, khắc phục những điểm còn chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn vẫn còn đặt ra đối với Quốc hội Khóa XV và các khóa tiếp theo.
Về lợi ích cục bộ trong xây dựng luật, khách quan mà nói, “khuyết tật” này đã có sự thuyên giảm trong các khóa gần đây nhưng chưa hết. Các khóa sau phải tích cực hơn nữa để khắc phục và ngăn chặn thông qua việc nâng cao chất lượng thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội theo đúng quy định tại Điều 65 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phải đặc biệt xử lý nghiêm ngặt theo Khoản 3 Điều 65, đó là phải bảo đảm chắc chắn “Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Và theo Điều 68 của Luật này thì Ủy ban Pháp luật là cơ quan trực tiếp phải “bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án, dự thảo với hệ thống pháp luật”. Điều quan trọng nữa là phải đề cao bản lĩnh, tính trung thực của đại biểu trong thảo luận thông qua các dự luật.
Về nâng cao tuổi thọ của các đạo luật, có hai loại vấn đề chính phải xử lý. Một là, như trên đã nói, Quốc hội các khóa tới phải nghiêm khắc hơn nữa đối với chất lượng của mỗi dự luật. Phải bảo đảm mỗi dự luật được thông qua, nếu “nhìn lại” thời gian trước đó thì cơ bản vẫn đúng; áp dụng cho hiện tại thì hoàn toàn chính xác và tiên lượng cho các năm sau cũng vẫn hợp lý, đúng đắn. Hai là, nền kinh tế chuyển đổi của chúng ta, tới nay cũng mới chỉ được 35 năm, so với nền kinh tế thị trường Âu - Mỹ đã có hàng trăm năm, thậm chí có nước tới hơn 500 năm thì kinh nghiệm trong việc thiết lập hệ thống pháp luật của chúng ta còn khiêm tốn. Do đó, phải hết sức cẩn trọng. Những khóa Quốc hội ở thời kỳ đầu đổi mới có phương châm xây dựng luật là, những vấn đề đã thực hiện, đã tổng kết, đã sáng rõ thì nhất thiết phải quy định cụ thể, chi tiết. Những vấn đề mới xuất hiện (chưa có thực tiễn, chưa thật rõ nội hàm và bản chất) thì quy định chung có tính nguyên tắc, qua quá trình thực hiện sẽ mở dần, khi đủ “độ chín” mới xem xét nâng lên thành luật. Đến nay phương châm này vẫn đang được thực thi. Ví dụ, khi chúng ta tham gia các công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do thì có nội dung, người lao động có quyền tổ chức, tham gia tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình. Trong khi đó, chúng ta đang có cả một hệ thống Công đoàn từ Trung ương đến cơ sở. Bởi vậy, tại Điều 172 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 vừa có hiệu lực thi hành ngày 1.1.2021 Quốc hội đã quy định chung rằng: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự quản, dân chủ, minh bạch”. Bước đầu quy định chung như vậy, quá trình thực thi Bộ luật Lao động sẽ phải quy định cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền; điều kiện cấp phép là những điều kiện gì; tổ chức này quan hệ với tổ chức công đoàn như thế nào...
Phương châm trên có thể còn được áp dụng tương đối lâu dài. Hạn chế mà các đại biểu Quốc hội Khóa XIV lưu ý tại Kỳ họp thứ Mười một vừa qua là một số trường hợp có thể cụ thể hóa ngay được trong luật mà vẫn để lại quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành; hoặc là giao Chính phủ nhiều vấn đề để quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật mà chưa giám sát đầy đủ. Những tồn tại này nhất định phải sớm khắc phục ở Khóa XV theo hướng: những luật chuyên ngành, phạm vi điều chỉnh hẹp thì sẽ ban hành luật cụ thể, khi thông qua là thi hành được ngay, không cần văn bản hướng dẫn. Thực hiện được như vậy thì tuổi thọ của các đạo luật sẽ được kéo dài; tiết kiệm được chi phí, giảm bớt được hao phí lao động…
Chú trọng “hậu giám sát”
Giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV đã có những bước tiến dài cả về khối lượng công việc và số lượng các cuộc giám sát tối cao, các cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Nhưng điều khiến các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn chính là “hậu giám sát”.
Thực ra, hiểu thế nào về “hậu giám sát” thì qua thảo luận tại Quốc hội cho thấy các đại biểu Quốc hội cũng còn tranh luận, chưa thống nhất. Có đại biểu cho rằng, đó là giám sát lại hay là tái giám sát; có đại biểu cho rằng đó là theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau khi kết thúc cuộc giám sát. Cách hiểu thứ nhất, đúng cho một số trường hợp như, sau lần giám sát thứ nhất một thời gian dài, nếu tình hình nơi đó vẫn không có chuyển biến gì thì phải giám sát lại để xem tình hình “tiến thoái” thế nào. Hay là cuối nhiệm kỳ, Quốc hội giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết về giám sát từ đầu nhiệm kỳ để đánh giá mức độ tiến bộ của chủ thể bị giám sát... Cách hiểu thứ hai tương đối hợp lý hơn và phạm vi bao quát rộng hơn. Bởi vì nhiều kết luận của các cuộc giám sát phải có thời gian cần thiết để sửa chữa, để khắc phục chứ không thể Quốc hội giám sát xong, kết luận xong là có thể giải quyết, làm xong được ngay. Ví dụ: giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến cuối năm 2018, trong đó có kiến nghị phải sửa đổi Luật này. Việc sửa đổi không thể làm ngay, mà phải chuẩn bị, phải tổng kết, phải đưa vào Chương trình xây dựng luật và phải thực hiện theo quy trình các bước... Đó là chưa đến đến tính chất phức tạp của pháp luật về đất đai nên đến nay, sau giám sát chuyên đề của Quốc hội đã gần hai năm nhưng chúng ta cũng chưa sửa đổi được Luật Đất đai năm 2013.
Tuy vậy, điều khiến các đại biểu Quốc hội trăn trở là sau cuộc giám sát, một số chủ thể có quyền giám sát chưa theo dõi, đôn đốc thường xuyên đối tượng bị giám sát trong việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, dẫn đến không ít kiến nghị đã bị bỏ lửng, chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn, làm giảm hiệu lực giám sát. Đây là vấn đề mà Quốc hội Khóa XV cần rút kinh nghiệm để ngay từ đầu nhiệm kỳ, chủ thể nào có quyền giám sát phải đi tới cùng vấn đề được giám sát, từ đó đem lại hiệu lực, hiệu quả thiết thực ở một tầm cao hơn./.
Nguồn: daibieunhandan.vn