Cuộc bầu cử thể hiện tính dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Hòa chung không khí phấn khởi của nhân dân Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã có cuộc trao đổi với báo chí, chia sẻ về ấn tượng và những đánh giá về sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang. (Ảnh: TTXVN)

Xin Đại sứ chia sẻ ấn tượng của mình đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Việt Nam sắp tới? Theo Đại sứ, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở Việt Nam thể hiện được quyền lợi gì của cử tri?

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Việt Nam là Ngày hội lớn của toàn dân, là hoạt động có tính dân chủ sâu rộng khi nhân dân trực tiếp lựa chọn những đại biểu tiêu biểu đáp ứng nguyện vọng của cử tri, bầu vào cơ quan quyền lực ở địa phương cũng như cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thể hiện rõ tính dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó là tính dân chủ của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân dân và Nhà nước. Việc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước tích cực chuẩn bị và tiến hành bầu cử, thực hiện quyền công dân sẽ đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra một cách dân chủ, công bằng, đúng theo quy định pháp luật, trật tự, an ninh, tiết kiệm, thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Đại sứ đánh giá thế nào về phương pháp tổ chức bầu cử của Việt Nam? Đối chiếu với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội tại Lào, bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam có những điểm giống và khác biệt gì thưa Đại sứ?

Mỗi kỳ bầu cử của Việt Nam là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, đồng thời là cơ hội tốt để người dân thể hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình theo quy định tại Hiến pháp Việt Nam trong từng giai đoạn. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành theo Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. So sánh với cuộc bầu cử ở Lào, cuộc bầu cử ở Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng như: Cơ sở chính để tiến hành bầu cử là hệ thống pháp luật, thể chế liên quan đến bầu cử, quá trình chuẩn bị toàn diện cho cuộc bầu cử. Các quá trình chuẩn bị gồm: Cơ cấu nhân sự, dự kiến ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; thành lập đơn vị bầu cử, chuẩn bị tổ chức bầu cử, công tác vận động bầu cử của ứng cử viên, giới thiệu chi tiết tiểu sử, quá trình công tác, trình độ năng lực, thành tựu của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, kể cả việc kiểm phiếu, theo dõi giám sát, báo cáo kết quả. Ngoài ra, hai nước Lào - Việt Nam có nhiều nhóm dân tộc nên có những quy định cụ thể về tỷ lệ ứng cử viên về dân tộc, giới tính và độ tuổi để đảm bảo sự cân đối, công bằng của các công dân. Đặc biệt hai nước cùng quy định tỷ lệ nữ ứng cử là 35% và phấn đấu đạt được tỷ lệ nữ trúng cử là 30%.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Lào và Việt Nam cũng có một số điểm khác nhau như: Cơ cấu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, việc quy định địa điểm bỏ phiếu cũng có sự khác biệt do yếu tố dân số của hai nước khác nhau.

Cụm khẩu hiệu, hoa cổ động cho ngày bầu cử tại Thành phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Cụm khẩu hiệu, hoa cổ động cho ngày bầu cử tại Thành phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Việc tổ chức bầu cử ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh COVID-19 có diễn biến phức tạp. Đại sứ đánh giá thế nào về sự sáng tạo của Việt Nam khi tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay?

Tôi nhận thấy công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có sự khác biệt so với các cuộc bầu cử trước đây do hiện nay, Việt Nam, Lào cũng như thế giới đang trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có sự linh hoạt khi đưa ra nhiều biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình. Từ đó, các ứng cử viên vẫn xuống địa phương gặp gỡ cử tri, giới thiệu tóm tắt lý lịch và thành tích của mình, nêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quyền và tiếng nói của cử tri. Các hoạt động trên được tổ chức trên cơ sở đảm bảo an toàn sức khỏe cho ứng cử viên và cử tri; đảm bảo chất lượng cuộc bầu cử, từ đó góp phần giúp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có thể tiến hành theo đúng kế hoạch đề ra.

Đại sứ kỳ vọng gì vào sự phát triển của Việt Nam sau khi Quốc hội khóa XV được bầu?

Tôi mong rằng Quốc hội khóa XV sẽ bầu được những đại biểu có năng lực, kiến thức và kinh nghiệm trong công tác giám sát, kiểm tra việc hành pháp và lập pháp của Việt Nam. Điều này giúp phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam ngày càng công bằng hơn, phát huy được tính dân chủ, đóng góp vào việc xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hoàn thành các mục tiêu Chiến lược đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và tầm nhìn phát triển đến năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cao cả của mình. Chúc kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Việt Nam thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất