(TTĐN) - Cùng với các hình thức tuyên truyền truyền thống, việc ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thực hiện đồng loạt, bài bản từ Hội đồng Bầu cử quốc gia đến Ủy ban Bầu cử các cấp, của các cơ quan, đơn vị, tập thể và cá nhân thông qua các trang thông tin điện tử chính thống, mạng xã hội... đang tạo sức lan tỏa hết sức mạnh mẽ, hiệu quả.
.jpg) |
Trang thông tin Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau đăng tải tiểu sử tóm tắt của ứng viên đại biểu HĐND tỉnh.
|
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Theo đó, để thông tin đến người dân về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, cùng với các phương thức truyền thông truyền thống thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, các đội tuyên truyền lưu động, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động… Cà Mau cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng không gian mạng internet. Hình thức tuyên truyền này đang tạo ra sức lan tỏa không khí sôi nổi, tích cực để cả nước hướng về ngày hội lớn.
Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Tiến cho biết, chưa bao giờ việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng một cách bài bản, đồng bộ, sôi động và tạo được sức lan tỏa lớn như đợt tuyên truyền bầu cử nhiệm kỳ này. Mọi người, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet sẽ nhận được các thông tin chính thống, cập nhật về cuộc bầu cử. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu và phù hợp với bối cảnh và diễn biến của dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp và xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook, thông tin chính thống về cuộc bầu cử chuyển tải một cách nhanh chóng, rộng rãi trong xã hội. Đặc biệt, các thông tin về ứng viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và ứng viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được đăng tải, chia sẻ và tạo được sự tương tác của cộng đồng mạng.
Trên nền tảng mạng xã hội, từ các nguồn chính thống, người dân vừa có thể tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử thuận lợi, nhanh chóng; vừa bảo đảm thực hiện thông điệp 5K trong phòng chống đại dịch Covid-19. Cử tri có thể tìm hiểu đầy đủ các thông tin về tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Hình thức tuyên truyền này đặc biệt phù hợp với đối tượng cử tri trẻ tuổi.
“Một ưu điểm không thể phủ nhận của hình thức tuyên truyền này là vừa nhanh, vừa thuận tiện, tiết kiệm chi phí và đặc biệt có khả năng lan truyền không giới hạn. Kể cả những người sử dụng điện thoại bình thường, không có kết nối internet vẫn nhận được các tin nhắn từ Hội đồng bầu cử quốc gia cập nhật các thông tin liên quan đến cuộc bầu cử” – ông Tiến cho biết.
Thông tin phải chính thống, tin cậy
Cùng với các hình thức tuyên truyền truyền thống, công nghệ thông tin đã cho thấy xu hướng tuyên truyền mới đối với các sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 và trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việc ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền bầu cử được thực hiện đồng loạt, bài bản từ Hội đồng Bầu cử quốc gia đến Ủy ban Bầu cử các cấp, của các cơ quan, đơn vị, tập thể và cá nhân thông qua các trang thông tin điện tử chính thống cho đến mạng xã hội... đang tạo sức lan tỏa hết sức mạnh mẽ, hiệu quả.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Tiến cũng lưu ý, trong tuyên truyền bầu cử, các thông tin phải chính thống, tin cậy, chính xác. Phải hết sức cảnh giác với những thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử. Trên môi trường mạng xã hội luôn tồn tại các thông tin xấu độc mà mỗi người cần phải đề cao cảnh giác. Các hoạt động chống phá cuộc bầu cử của thế lực thù địch là hết sức tinh vi, đặc biệt là việc lợi dụng môi trường mạng xã hội để thực hiện các mưu đồ đen tối.
Theo đó, bản thân mỗi người cần nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh và kỹ năng ứng xử phù hợp trên môi trường mạng xã hội và khi tiếp nhận các thông tin thông qua công nghệ thông tin. Cần cân nhắc lựa chọn đăng tải, chia sẻ những thông tin về cuộc bầu cử được phát từ nguồn chính thống, có độ tin cậy. Thông thái, văn hóa và văn minh khi ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các thông tin về cuộc bầu cử là góp phần vào thắng lợi chung cho ngày hội lớn của toàn dân. Việc sử dụng mạng xã hội, các tài khoản cá nhân cần phải tỉnh táo, cảnh giác, đừng vì sự thiếu hiểu biết, tâm lý đám đông hoặc vụ lợi cá nhân mà có thể vi phạm pháp luật./.
Vân Phi
Nguồn: daibieunhandan.vn