|
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí. (Ảnh: TTXVN)
|
Ngày 23/5/2021, hơn 69 triệu cử tri cả nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc bầu cử là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021.
Để có cái nhìn khái quát về cuộc bầu cử lần này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường.
Theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công và tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên: Cử tri và nhân dân cả nước đang rất mong muốn và chờ đợi vào sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó, cử tri cũng mong muốn nâng cao tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%, tương đương với khoảng 200 đại biểu, trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội được bầu lần này. Qua quá trình giám sát trong Ngày Bầu cử hôm nay cũng như công tác thống kê, tổng hợp, với cương vị là Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ông có ý kiến thế nào về việc này?
Ông Bùi Văn Cường: Tôi cho rằng, Quốc hội của chúng ta ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đúng với chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ góp phần rất quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, bởi vì đó là những người toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ xây dựng pháp luật, giám sát tối cao đến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Như vậy, tỷ lệ đại biểu chuyên trách càng cao, sự toàn tâm, toàn ý của đại biểu Quốc hội càng lớn.
Thời gian qua, việc chuẩn bị nhân sự, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và những ứng cử viên được lựa chọn đảm bảo được yêu cầu. Vừa rồi thông qua việc đi kiểm tra, giám sát, chúng tôi thấy, cử tri rất kỹ càng trong lựa chọn đại biểu.
Kỳ bầu cử này, chúng ta đưa danh sách trích ngang, chương trình hành động thông qua các mạng xã hội, các hệ thống thông tin đại chúng để cử tri được tiếp xúc, được nghe nhữngứng cử viên mà mình sẽ nghiên cứu, lựa chọn, trình bày chương trình hành động.
Người nào trình bày rõ hơn, sắc sảo hơn, chặt chẽ hơn và khẳng định rằng có trình độ, cùng với việc xem xét lý lịch, hồ sơ, quá trình công tác và chương trình hành động, cử tri sẽ lựa chọn được người xứng đáng. Với cách làm này, chúng tôi tin là chất lượng đại biểu Quốc hội sẽ cao hơn.
Tới đây, chúng ta sẽ phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Như sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói là sẽ đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội, từ xây dựng pháp luật đến giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tất cả đều phải đổi mới, phải có những hoạt động ngày càng thiết thực, càng hiệu quả hơn, sao cho chất lượng của luật ngày càng càng tốt hơn; chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng tốt hơn và đặc biệt là giám sát phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, giám sát đến tận cùng của vấn đề, giám sát để quy rõ trách nhiệm.
Như vậy, mỗi cấp, mỗi ngành khi thực hiện nhiệm vụ của mình phải thực hiện thật tốt và đảm bảo được lợi ích chính đáng của đất nước, của nhân dân. Đấy là những nội dung đổi mới trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội.
Phóng viên: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có đề ra các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045. Theo ông, việc đổi mới, cải cách hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ tới sẽ có đóng góp thế nào vào tiến trình thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra?
Ông Bùi Văn Cường: Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư Đảng đoàn đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đang đề xuất những đề án, chương trình hoạt động đổi mới từ xây dựng luật, giám sát tối cao đến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Khi chương trình hành động này được thông qua bằng những đề án cụ thể, tôi tin chắc chắn sẽ có những đổi mới và đổi mới ấy sẽ đóng góp rất thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, làm sao cho đất nước ta phát triển, người dân phải giàu và đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.
Phóng viên: Những công việc cần tiếp tục triển khai sau Ngày Bầu cử là gì, thưa ông?
Ông Bùi Văn Cường: Theo Kế hoạch số 42/KH-HĐBCQG ngày 19/01/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sau Ngày Bầu cử 23/5/2021, cần tiếp tục triển khai những công việc sau:
Về công bố kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào Biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 12/6/2021 (20 ngày sau Ngày Bầu cử). Ủy ban Bầu cử ở tỉnh công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Ủy ban Bầu cử huyện công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện. Ủy ban Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, chậm nhất ngày 02/6/2021 (10 ngày sau Ngày Bầu cử).
Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.
Ủy ban Bầu cử xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.
Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh tổng kết và gửi báo cáo tổng kết bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Bầu cử ở huyện, xã gửi báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Các địa phương tiến hành tổng kết từ sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22/6/2021.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ đạo các Tiểu ban của Hội đồng tiến hành hoạt động tổng kết công tác bầu cử. Ủy ban Bầu cử ở tỉnh gửi báo cáo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở địa phương về Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Hội đồng Bầu cử Quốc gia trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân khóa mới, Ủy ban Bầu cử trình Hội đồng nhân dân khóa mới báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Hoa - Việt Đức (Thực Hiện)
Nguồn: Bnews.vn